GÃY XƯƠNG BÀN TAY
Link bài giảng: https://drive.google.com/drive/folders/1rb71G1dEJx1uhiUaZMzuP3W-7SadkEUt
GÃY XƯƠNG BÀN TAY
Ts. bs. Lê Quang Trí
Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Trình bày được dịch tể, nguyên nhân, phân loại gãy xương bàn- ngón tay.
2. Mô tả được triệu chứng lâm sàng, hình ảnh X- Quang gãy xương bàn- ngón tay.
3. Trình bày được phương pháp điều trị, các biến chứng của gãy xương bàn- ngón tay.
4. Nhận thức được gãy xương bàn- ngón tay là một cấp cứu cần được xử trí một cách khẩn trương và đúng kỹ thuật.
I. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Dịch tể
– Gãy xương vùng bàn ngón tay chiếm 17,5% của tất cả gãy xương. Trong đó:
+ Gãy xương đốt ngón tay chiếm 46%.
+ Gãy xương bàn tay chiếm 36%.
+ Gãy cổ xương bàn tay chiếm 9,7%.
– Trong gãy xương đốt ngón tay có:
+ Gãy đốt gần chiếm 57,4%.
+ Gãy đốt giữa chiếm 30,4%.
– Thường gãy một xương 98,6%, gãy nhiều xương chiếm 1,4%.
– Nam: Nữ = 1.8:1).
1.2. Nguyên nhân gây gãy xương: do tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, tai nạn lao động
1.3. Điều trị
– Nguyên tắc điều trị gãy xương bàn ngón tay.
+ Tất cả gãy vững nên nắn chỉnh kín và bó bột.
+ Nẹp Bulkhalter được dùng một cách phổ biến để cố định ngón tay gãy.
+ Kim Kirschners là phương tiện thường dùng để kết hợp xương bên trong.
+ Khi sử dụng kim Kirschners để kết hợp xương có thể tránh được các tổn thương gân, dây chằng và bao khớp.
+ Cần tránh di lệch xoay của ổ gãy xương bàn- ngón tay bằng cách hướng ngón tay theo trục của chính nó khi gấp khớp bàn ngón và khớp liên đốt ngón tay hướng về xương thuyền.
Hình 1. Biến dạng lệch trục ngón không hướng về xương thuyền [3].
+ Tư thế cố định bàn tay là gấp khớp bàn ngón tay 70°, khớp liên đốt gần 15° đến 20°, khớp liên đốt xa 5° đến 10°. Tư thế này được gọi là tư thế James (hình 2)
Hình 2. Tư thế James [3].
– Các bước thực hiện nẹp hay dùng ở gãy xương bàn ngón tay (nẹp Bulkhalter) (hình 3)
+ Nắn chỉnh ổ gãy xương bàn- ngón tay, kiểm tra lại độ vững của ổ gãy.
+ Độn bông từ cẳng tay đến bàn tay.
+ Tấm nẹp đầu tiên đặt mặt lòng bàn tay lên qua nếp gấp cổ tay trong tư thế cổ tay duỗi.
+ Tấm nẹp thứ hai đặt mặt lưng qua khớp liên đốt gần với khớp bàn ngón ở tư thế gấp tối đa.
+ Bột sẽ giữ cố định các thành phần nằm bên trong nó bao gồm cả ổ gãy.
+ Giữ bột 3 đến 4 tuần.
+ Có thể tập vận động các khớp ngoài bột như các khớp liên đốt.
Hình 3. Nẹp Bulkhalter [2]
– Chỉ định phẫu thuật kết hợp xương cho gãy xương bàn- ngón tay.
+ Gãy phạm khớp với mảnh gãy nhỏ.
+ Gãy xương di lệch nhiều.
+ Gãy mất vững.
+ Gãy nhiều xương.
+ Phần mềm (gân) chèn vào ổ gãy.
– Sau khi mổ nắn chỉnh ổ gãy, kết hợp xương bên trong thường được thực hiện với kim Kirschners (hình 4). Đôi khi sử dụng chỉ thép, kết hợp xương nội tủy, nẹp AO và vít để kết hợp xương gãy nhưng là phương pháp ít phổ biến hơn.
Hình 4. Kết hợp xương bàn- ngón tay bằng kim Kirschners. [3]
II. GÃY XƯƠNG ĐỐT NGÓN TAY
2.1. Gãy xương đốt xa ngón tay
– Gãy xương đốt xa ngón tay thường do tai nạn giao thông, đặc điểm ổ gãy thường gãy nhiều mảnh (hình 5).
Hình 5. Gãy xương đốt xa ngón tay [1]
2.1.1. Đặc trưng
– Rất thường gặp.
– Phần mềm che phủ ít.
– Trong trường hợp tổn thương giường móng, có thể xuất hiện khối máu tụ dưới móng tay.
2.1.2. Cơ chế chấn thương: thường do lực trực tiếp gây đụng giập, lực gián tiếp có thể do tổn thương giật nhổ.
2.1.3. Phân loại (hình 6)
– Gãy đốt xa ngón tay được chia thành:
+ Gãy dọc xương (36%)
+ Gãy ngang.
+ Gãy chỏm (Tuft) (63%).
+ Gãy nền xương (18%)
* Mặt lòng.
+ Gãy xương phạm khớp.
Hình 6 . Phân loại gãy xương đốt xa ngón tay [2]
2.1.4. Triệu chứng lâm sàng: gồm 6 triệu chứng gãy xương
– Đau, sưng nề và biến dạng đầu ngón tay. Mất chức năng của khớp liên đốt gần, cử động bất thường, lạo xạo xương tại ổ gãy.
2.1.5. X- Quang
– Chụp X- quang thẳng, nghiêng giúp xác định chẩn đoán. (hình 7)
Hình 7. X- quang thẳng nghiêng xác định chẩn đoán gãy xương đốt xa ngón tay [3]
2.1.6. Điều trị
– Ba phương pháp điều trị được mô tả sau đây
+ Điều trị bảo tồn
* Chỉ định cho các ổ gãy không di lệch, gãy dọc, và gãy chỏm xương.
* Nẹp ngón trong 3 đến 4 tuần tư thế duỗi khớp liên đốt xa (hình 8).
Hình 8. Nẹp ngón tay tư thế duỗi trong điều trị bảo tồn gãy đốt xa ngón tay [3]
+ Nắn chỉnh kín và kết hợp xương qua da: chỉ định cho
* Gãy ngang thân xương, đây là nơi nẹp bên ngoài khó có thể giữ được ổ gãy vững.
Hình 9 Nắn chỉnh kín và kết hợp xương qua da [1]
+ Mổ, nắn chỉnh và kết hợp xương bên trong, chỉ định cho các trường hợp
* Gãy mặt lòng của nền xương với đứt điểm bám tận gân gấp sâu ngón tay.
* Gãy mặt lưng của nền xương với tổn thương 30% đến 40% diện khớp.
2.2. Mallet finger (ngón tay vồ) (Baseball finger, Drop finger, Cricket finger)
– Mallet finger là một tổn hay gặp, thường do lực gấp đột ngột của đốt xa khi gân duỗi đang căng ở tư thế duỗi thẳng ngón làm tổn thương gân duỗi. (hình 10).
Hình 10. Mallet finger [3]
2.2.1. Những nguyên nhân có thể gây ra tổn thương Mallet finger là tai nạn thể thao chụp bóng chuyền, bóng đá. Tùy thuộc vào việc có hay không đứt gân duỗi hoặc bong mảnh xương điểm bám tận của nó vào nền đốt xa ngón tay mà chia ra hai loại
– Mallet finger do gân đứt gân duỗi.
– Mallet finger do bong điểm bám tận gân duỗi.
2.2.2. Mallet finger do gân duỗi
Đây là tổn thương do mất tính liên tục của gân duỗi ở đốt xa ngón tay.
a. Cơ chế chấn thương
Hình 11. Cơ chế chấn thương Mallet finger do tổn thương gân duỗi [3]
b. Phân loại
Dựa vào phân loại tổn thương có thể có các biến dạng đi kèm sau
– Giãn gân duỗi: sự “rớt” đốt xa ít. Biểu hiện trên lâm sàng bệnh nhân mất duỗi 5° đến 20°. Vẫn còn hoạt động của gân duỗi nhưng yếu hơn ngón lành.
– Đứt gân duỗi từ nơi bám của nó vào đốt xa. Bệnh nhân mất duỗi 40° đến 45°. Không thể duỗi được khớp liên đốt xa.
c. Triệu chứng lâm sàng
Đau, sưng nề, biến dạng ngón ở tư thế duỗi đốt xa ngón tay theo mô tả phần phân loại, bệnh nhân bất lực duỗi ngón tay và liên đốt xa.
d. X- quang: có thể xác định được mảnh vỡ xương của đốt xa ngón tay (hình 12)
Hình 12. Mảnh vỡ điểm bám tận gân duỗi ngón tay trên X- quang [3]
e. Điều trị
– Điều trị bảo tổn: đây là phương pháp áp dụng cho trật khớp đơn thuần, tổn thương dây chằng bên và cho cả mallet finger. Nẹp giữ khớp liên đốt xa tư thế duỗi tối đa (nẹp Mallet) (hình 13).
Hình 13. Nẹp Mallet [3]
– Nắn kín và kết hợp xương qua da: đây là phương pháp được sử dụng cho tổn thương Mallet ở những chuyên gia như nha sỹ, phẫu thuật viên, vận động viên thể thao, … những người không thể cố định ngón tay lâu do tính chất công việc.
– Mổ, nắn chỉnh và kết hợp xương bên trong được chỉ định cho những trường hợp sau đây
+ Nhổ gãy điểm bám tận gân duỗi sâu.
+ Thất bại trong nắn trật khớp.
2.2.3. Mallet finger do xương thương hiếm gặp. Mảnh gãy thường được cố định bằng kim Kirchners nếu mảnh gãy lớn hơn 1/3 diện tích mặt khớp và phần còn lại của đốt xa bị bán trật về mặt lòng.
2.3. Jersey finger tổn thương do nhổ đứt gân gấp sâu từ điểm bám tận của nó vào đốt xa ngón tay. Jersey finger còn được gọi là tổn thương ngược của Mattet finger, và bệnh nhân không thể gấp khớp liên đốt xa ngón tay. Thường gặp ở cầu thủ bóng đá và bóng bầu dục.
2.4. Gãy xương đốt giữa ngón tay
2.4.1. Phân loại gãy nền xương đốt giữa thành 5 loại (theo Seno) (hình 14)
Hình 14. Phân loại gãy nền đốt giữa xương ngón tay theo Seno [2]
Type 1: mảnh gãy mặt lòng phạm khớp.
Type 2: mảnh gãy mặt lưng phạm khớp.
Type 3: mảnh gãy lớn, gãy nhiều mảnh, tổn thương toàn bộ mặt khớp và có thể mất xương.
Type 4: gãy nền xương không phạm khớp.
Type 5: mảnh gãy mặt trong + ngoài phạm khớp.
2.4.2. Triệu chứng lâm sàng
Đau, sưng nề, biến dạng và mất chức năng của ngón, cử động bất thường, lạo xạo xương tại ổ gãy, …
2.4.3. X- quang ngón tay thẳng nghiêng giúp xác định chẩn đoán.
2.4.4. Điều trị
– Gãy nền xương mặt lòng
* Điều trị bảo tồn: chỉ định cho gãy nền xương mặt lòng với tổn thương ít hơn 40% diện khớp. Bệnh nhân được nẹp cố định ngón tư thể duỗi khớp liên đốt gần.
* Nắn chỉnh kín và kết hợp xương bên trong được chỉ định cho gãy nền xương đốt giữa cả mặt lưng và mặt lòng với tổn thương ít hơn 40% diện khớp (hình 15)
Hình 15. Phương pháp nắn chỉnh kín, kết hợp xương bên trong nền xương đốt giữa bằng kim Kirschners[3]
* Khung cố định ngoài mini: được chỉ định và điều trị cho gãy nền xương mặt lòng tổn thương hơn 40% diện khớp và trong gãy Pilon.
* Nẹp tạo hình mặt lòng: đây là phương pháp chỉ định cho tổn thương mạn tính và gãy nền xương mặt lòng lớn hơn 40% diện khớp.
* Mổ, nắn chỉnh và kết hợp xương bên trong: được chỉ định cho mảnh gãy lớn, và các trường hợp cần ghép xương.
2.5. Gãy xương đốt gần ngón tay
Thường do lực tác động trực tiếp lên mặt lưng của ngón tay
2.5.1. Đặc điểm
– Biến dạng ngón tay do lực co kéo của gân cơ, gãy ngang hoặc chéo ngắn, ổ gãy xương đốt gần mở góc về phía mặt lưng.
– Gãy xoắn và chéo dài thường gây di lệch chồng ngắn và xoay hơn là gập góc.
– Do tác động của gân gấp nông, ổ gãy của xương đốt gần ngón tay theo xu hướng gập góc.
2.5.2. Phân loại
– Gãy chỏm: thường phạm khớp.
– Gãy cổ và thân xương: ngoại khớp.
– Nền xương, cả trong và ngoài khớp.
Tất cả những loại gãy này có thể:
– Di lệch ít, vững.
– Có thể nắn chỉnh được, vững.
– Có thể nắn chỉnh được nhưng không vững.
– Không nắn chỉnh được.
2.5.3. Triệu chứng lâm sàng
Đau, sưng nề, biến dạng và mất chức năng ngón tay, cử động bất thường, lạo xạo xương, …
X- quang bàn tay thẳng và nghiêng giúp xác định chẩn đoán. (hình 16)
Hình 16. X- quang gãy đốt gần xương ngón tay [2]
2.5.4. Điều trị
– Điều trị bảo tồn
Chỉ định cho gãy ngoại khớp không di lệch, có thể nắn chỉnh được và vững. Phương pháp cố định bằng băng keo Buddy (hình 17) cho gãy không di lệch và nẹp Burkhalter
Hình 17. Cố định bằng băng keo Buddy vào ngón cạnh bên[3]
– Nắn chỉnh kín và kết hợp xương qua da
Được sử dụng điều trị cho gãy ngang thân xương, ở vị trí gãy này nẹp không giữ vững được ổ gãy (hình 18)
Hình 18. Phương pháp nắn chỉnh và kết hợp xương qua da [3]
– Nắn chỉnh kín và kết hợp xương bên trong
Được chỉ định cho những loại gãy sau đây
+ Gãy cổ xương chéo vát.
+ Ổ gãy phạm khớp nắn chỉnh được và vững.
+ Ổ gãy phạm khớp nắn chỉnh được và không vững. (hình 19)
Hình 19. Nắn chỉnh kín và kết hợp xương bên trong bằng kim Kirschners ở gãy cổ xương đốt gần [3]
– Phẫu thuật nắn chỉnh và kết hợp xương bên trong
Chỉ định
+ Gãy hở.
+ Gãy phức tạp.
+ Tổn thương phần mềm.
+ Ổ gãy phạm khớp.
Phương tiện kết hợp xương bao gồm: chỉ thép, vít, nẹp vít, …
2.5.5. Biến chứng của gãy xương đốt ngón tay: chậm liền xương, khớp giả, cứng khớp, …
3. GÃY XƯƠNG BÀN TAY
3.1. Gãy thân xương bàn tay thường gặp do những nguyên nhân gây ra lực chấn thương trực tiếp lên mặt lưng của bàn tay như: bị đánh, boxing, ngã, tai nạn giao thông, …
– Gãy xương bàn tay có thể được nắn chỉnh hoàn hảo, không di lệch xoay và được cố định bằng cách bó bột, hoặc xuyên kim Kirschners qua da, phẫu thuật kết hợp xương bằng kim Kirschners.
3.1.1. Đặc điểm
– Góc cổ thân xương bình thường là 15°.
– Góc chỏm lưng điển hình được phát hiện trong gãy ngang cổ và thân xương.
– Góc này được biểu hiện lâm sàng bởi biến dạng duỗi quá mức.
– Đường gãy xoắn và chéo có khuynh hướng gây ngắn và xoay hơn gập góc.
– Di lệch xoay không được chấp nhận khi quá 10°.
– Do sự chồng hình trên X-quang, khó phát hiện ổ gãy nên trong chụp X- quang có thể sử dụng chụp tư thế Brewerton để phát hiện tổn thương (hình 20).
Hình 20. Tư thế Brewerton [1]
– Xương bàn tay chịu trách nhiệm cho định hình ba vòng cung của bàn tay
+ Hình cung ngang ở khớp cổ bàn tay.
+ Hình cung ngang ở khớp bàn ngón tay.
+ Hình cung vòm rộng dọc lồi mặt lưng.
– Những vòm cung này được giữ bởi
+ Những dây chằng nối giữa nền các xương bàn.
+ Các dây chằng ngang đối xứng sâu giữa các xương bàn tay.
+ Mặt lòng của cổ xương bàn tay là điểm yếu.
– Các cơ nội tại lòng bàn tay gây lực biến dạng nguyên phát, có thể được cân bằng lại bởi gấp đốt bàn ngón.
– Nắn chỉnh có thể đạt được hiệu quả bằng cách kéo dọc trục và gấp khớp liên đốt gần.
3.1.2. Triệu chứng lâm sàng
Đau, sưng nề mặt lưng của bàn tay, mất chức năng bàn tay, cử động bất thường, lạo xạo xương, ấn có điểm đau chói cố định tại ổ gãy, … (hình 21)
Hình 21. Hình ảnh lâm sàng gãy thân xương bàn tay[3]
3.1.3. X- quang: chụp X- quang theo mặt phẳng thẳng và nghiêng giúp xác định chẩn đoán (hình 22)
Hình 22. Hình ảnh X- quang gãy xương bàn tay [3]
3.1.4. Điều trị
– Điều trị bảo tồn
Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp sau
+ Gãy không di lệch.
+ Ổ gãy vững (di lệch <50%, gập góc <40°, chéo vát <60°)
Phương pháp: bàn tay có thể được cố định bằng cách nẹp Burk halter, găng tay áp lực 2 tuần, bó bột cẳng bàn tay.
– Nắn chỉnh kín và kết hợp xương bên trong
Được chỉ định cho gãy không vững sau nắn chỉnh và cho gãy nền xương. Phương pháp này còn thường áp dụng cho gãy ngoài khớp nhưng cũng có thể cho gãy phạm khớp mà có thể vững khi kết hợp xương bằng kim Kirschners sau nắn chỉnh.
– Phẫu thuật nắn chỉnh và kết hợp xương bên trong được chỉ đinh
+ Gãy phức tạp.
+ Gãy hở.
+ Gãy không nắn chỉnh được.
+ Gãy phạm khớp di lệch.
Kết hợp xương bằng đinh nội tủy (đinh Steinmann, kim Kirschner, …), vít, nẹp vít, chỉ thép, … (hình 23)
Hình 23. Các phương tiện kết hợp xương bên trong xương đốt bàn tay [3]
– Cố định ngoài
Được chỉ định cho các loại gãy phạm khớp nhiều mảnh vụn của nền xương bàn V, vị trí mà phương tiện kết hợp xương bên trong không phù hợp.
3.1.5. Biến chứng: không liền xương, hoại tử vô mạch trong gãy quanh sụn khớp, khớp giả, cứng khớp.
3.2. Gãy Boxer (gãy chỏm xương bàn V)
3.2.1. Cơ chế chấn thương: khi võ sĩ boxing đấm vào hàm của đối phương với bàn tay hình nấm đấm. Cổ xương bàn V có thể gãy (hình 24)
Hình 24. Cơ chế chấn thương của gãy chỏm xương bàn V [3]
– Cơ chế chấn thương cũng có thể do tai nạn giao thông, ngã, …
3.2.2. Triệu chứng lâm sàng
Bệnh nhân khai đau, sưng nề mặt lưng của bờ trụ bàn tay, bất lực vận động ngón V, cử động bất thường, lạo xạo xương tại ổ gãy, … (hình 25)
Hình 25. Hình ảnh lâm sàng gãy Boxer [2]
3.2.3. X- quang: giúp chẩn đoán xác định gãy xương (hình 25)
Hình 26. Hình ảnh X- quang gãy chỏm xương bàn V [2]
2.3.4. Điều trị
Gãy chỏm xương bàn V cần được nắn chỉnh hoàn hảo, không di lệch xoay. Nắn chỉnh kín và cố định hoặc với nẹp + bột hoặc kết hợp xương qua da bằng kim Kirschnes. (hình 27)
Hình 27. Kết hợp chỏm xương bàn V bằng kim Kirschners [2]
3.3. Gãy chỏm xương bàn tay.
Gãy chỏm xương bàn tay còn được biết đến với tên gọi gãy “đánh nhau bằng răng” (fight bite) khi bệnh nhân đấm vào hàm răng đối phương. Các triệu chứng lâm sàng và x- quang tương tự nhau cho gãy cổ xương bàn tay. Ổ gãy thường phạm khớp và cần nắn chỉnh kín và kết hợp xương bên trong bằng kim Kirschners.
3.4. Gãy xương bàn ngón cái bàn tay.
Hầu hết gãy xương bàn ngón cái (ngón I) là phạm khớp ở khớp cổ bàn tay
Mảnh gãy nền xương bàn I khó sờ thấy được.
Gãy nền xương bàn ngón cái được chia thành
Gãy ngoài khớp: gãy ngang, gãy chéo vát.
Gãy bán phần khớp (Bennett)
Gãy toàn phần khớp (Rolando) (hình 28)
Hình 28. Gãy Bennett và Rolando [3]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Quang Tôn Quyền – Gãy xương bàn tay. 2014.
2. Gãy xương bàn- ngón tay- Giáo trình ngoại khoa cơ sở ĐH YD TPHCM (p.74-80)
3. John Ebnezar – Textbook of Orthopedics, Devaraj Urs Medical College Kolar, Karnataka, 2010, p: 220-230.