--- Bài mới hơn ---
Ulis Repository: Sử Dụng Phương Pháp Dạy Học Theo Dự Án (Project
Một Số Biện Pháp Phát Huy Tính Tích Cực, Tự Giác Trong Học Tập Của Học Sinh Lớp 1 Trường Tiểu Học Quảng Kim : Phòng Gd&đt Quảng Trạch
Một Số Biện Pháp Rèn Học Sinh Yếu Kém
Giải Pháp Giúp Học Sinh Yếu Kém Học Tốt Môn Toán
Sáng Kiến Kinh Nghiệm Một Số Biện Pháp Phụ Đạo Học Sinh Yếu Kém
Phương pháp giảng dạy bằng nghiên cứu tình huống áp dụng trong các chương trình đào tạo về chính sách công là một bản sắc nổi bật của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Kế thừa phương pháp này của Harvard Kennedy School để giảng dạy kinh tế ứng dụng ở Việt Nam từ cuối thập niên 1990, nhưng các giảng viên của Fulbright đã tìm cách sáng tạo theo hướng tự viết tình huống của mình. Nhờ đó, những lý thuyết, tri thức toàn cầu bắt rễ vào xã hội Việt Nam qua các bài giảng trở nên sinh động, thực tế và gần gũi hơn.
Phương pháp giảng dạy bằng nghiên cứu tình huống là việc dùng các tình huống thực tiễn làm chất liệu bổ trợ cho các bài giảng chính thức của giảng viên, từ đó giúp các học viên vừa hiểu sâu hơn kiến thức nền tảng, vừa có khả năng ứng dụng những kiến thức này vào thực tiễn. Hơn 25 năm trước, khi giảng dạy ở Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP – tiền thân của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright ngày nay), giảng viên của các đại học hàng đầu Mỹ, trong đó có Đại học Harvard đã mang đến Việt Nam phương pháp giảng dạy này. Họ trực tiếp giảng dạy cho học viên Việt Nam về kinh tế thị trường với các tình huống có bản quyền của Trường Kinh doanh Harvard và sau đó là của Trường Quản lý Nhà nước Kennedy.
Tạo cảm hứng cho lý thuyết
Giảng viên Nguyễn Xuân Thành cho hay, các nghiên cứu tình huống của Harvard biên soạn được tuyển chọn cho giảng dạy ở FETP không chỉ là các tình huống của nước Mỹ mà còn là các tình huống kinh tế phong phú khác trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Quan trọng hơn, đó là các tình huống không phải chọn ngẫu nhiên mà phải gần gũi với thực tế xảy ra trong nền kinh tế và xã hội Việt Nam, giúp cho các học viên dễ tham khảo, đối chiếu, qua đó hiểu rõ được ý nghĩa, bài học của các lý thuyết và khung phân tích chính sách.Ví dụ như tình huống tư nhân hóa hệ thống nước và nước thải ở Cancun, Mexico là bài học tình huống điển hình về sự thất bại của thị trường dẫn đến sự can thiệp của Nhà nước. Và sau đó, khi sự can thiệp của Nhà nước thất bại thì quay lại sự tham gia của thị trường.
“Lợi thế hợp tác của Fulbright với Harvard đã giúp trường tiếp cận được kho tài liệu đồ sộ của Harvard”, theo giảng viên Nguyễn Xuân Thành.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho hay, điều quan trọng nhất của phương pháp giảng dạy bằng nghiên cứu tình huống là tạo ra cảm hứng cho người học bởi các bài giảng lý thuyết thường khó, trừu tượng và khô khan. Các nghiên cứu tình huống được biên soạn từ những sự việc có thật, con người thật, dữ kiện thật, sẽ giúp sinh viên “vỡ” lý thuyết và hiểu rõ về khả năng ứng dụng lý thuyết trong thực tiễn. Nhưng điều đó không có nghĩa là các tình huống sẽ lấn át kiến thức học thuật cũng như khung lý thuyết trọng điểm mà giảng viên muốn truyền thụ cho học viên. Điều này lý giải về tính tương hỗ, bổ trợ của các nghiên cứu tình huống, giúp cho các bài giảng trở nên chất lượng hơn.
“Các nghiên cứu tình huống bổ trợ cho bài giảng có thể được viết theo cách mà nếu không có khung lý thuyết thì sẽ tỏ ra rời rạc, phân mảnh. Nhưng với khung lý thuyết phù hợp, các mảnh ghép này sẽ được kết nối với nhau. Do đó nếu chỉ dạy tình huống thì sinh viên sẽ khó định hình tư duy vấn đề. Vì vậy các nghiên cứu tình huống đưa vào trong bài giảng tạo điều kiện cho người học áp dụng lý thuyết vào các vấn đề cụ thể, giải quyết các bài toán cụ thể”, Tiến sĩ Tự Anh giải thích thêm.
Bắt rễ tình huống bản địa
Một bước ngoặt phát triển trong giảng dạy bằng phương pháp nghiên cứu tình huống của trường Fulbright đó là sau nhiều năm mua bản quyền các bộ tình huống của Harvard, các giảng viên Fulbright quyết định trực tiếp biên soạn các tình huống của Việt Nam.
“Khi mượn các tình huống của Harvard để áp dụng cho giảng dạy lý thuyết, chúng tôi coi trọng tính liên hệ, gần gũi với thực tiễn Việt Nam. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận ra để sinh viên thực sự nhúng mình vào môi trường chính sách của Việt Nam và có cảm nhận rõ rệt về sự tác động của chính sách, thì không gì lý tưởng hơn là được học trực tiếp về những tình huống xảy ra trong môi trường, xã hội của mình. Bởi bất kỳ tình huống nào cũng phải đặt vào môi trường chính sách nhất định, nếu không tình huống sẽ bị giảm ý nghĩa” – Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết.
Giảng viên Nguyễn Xuân Thành cho hay sự kết hợp này tạo ra sự hòa nhập tri thức, thực tiễn của toàn cầu với bản địa (Việt Nam) trong các lớp học giảng dạy nghiên cứu tình huống ở Fulbright. Điều này làm nên sự khác biệt, độc đáo của trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trong phương pháp giảng dạy nghiên cứu tình huống. Nó trở thành một điểm tham chiếu để NASPAA, tổ chức kiểm định quốc tế cho các chương trình đào tạo sau đại học về chính sách công, hành chính công và quản lý công, công nhận chất lượng giảng dạy chương trình Thạc sĩ Chính sách công của Fulbright đạt chuẩn quốc tế.
Theo học FETP từ khóa 7, 13 năm sau lại quay trở lại học Thạc sĩ Chính sách công (lớp LM 2022), chị Nguyễn Huỳnh Thu Trúc cho hay các bài giảng về nghiên cứu tình huống của trường Fulbright đã vươn lên một cấp độ khác biệt về chất lượng. Điều này được thực chứng khi chị có mặt trong khóa học trao đổi ngắn hạn của trường Fulbright với Trường Quản lý Nhà nước Kennedy Harvard hồi tháng 8/2019. Các bài giảng từ nghiên cứu tình huống ở Harvard không khác biệt so với các bài học ở Fulbright khi các giáo sư Harvard khéo léo đưa các vấn đề kinh tế của Việt Nam đặt trong bối cảnh tham chiếu của toàn cầu. Các bài giảng tình huống bắt rễ bản địa xã hội Việt Nam là một giá trị độc đáo mà trường Fulbright mang đến cho người học.
“Thời kỳ đầu tại FETP, các học viên chưa có nhiều tình huống Việt Nam để học như giai đoạn sau này mà chủ yếu là học các nghiên cứu tình huống của thế giới. Thực ra, học qua tình huống điều quan trọng nhất đó là rút ra được bài học, gọi tên được bản chất vấn đề. Nhờ đó mới có thể hiểu được khung phân tích, lý thuyết giúp giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nhưng khi được học tổng hòa các tình huống, tiếp cận, so sánh vấn đề thực tiễn ở ngay Việt Nam với bài học của thế giới, khu vực, chúng tôi cảm thấy bài học càng thêm gần gũi, thiết thực”, học viên Thu Trúc chia sẻ.
Sáng kiến chính sách từ lớp học tình huống
Có rất nhiều tình huống trở thành ví dụ kinh điển cho các bài học lý thuyết về chính sách ở trường Fulbright, song bộ tình huống này luôn được để mở và cập nhật liên tục. Các tình huống, vấn đề thực tiễn nóng hổi của thế giới, khu vực và Việt Nam sẽ luôn được các giảng viên Fulbright theo dõi, cập nhật ngay trong giáo án. Điều này đồng nghĩa giáo án sẽ luôn thay đổi. Cùng một môn học, năm nay giảng viên có thể dạy tình huống này nhưng năm sau họ có thể chọn một tình huống khác phụ thuộc vào những vấn đề kinh tế, chính sách mới nổi lên thú vị, phù hợp với bài giảng.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phụ trách giảng dạy môn “Phát triển Vùng và Địa phương”, một môn học tự chọn luôn có tỉ lệ học viên đăng ký cao kỉ lục ở Fulbright, luôn chủ động đưa vào giáo án các bài giảng tình huống mới nhất. Cùng một khung lý thuyết nhưng bài giảng phân tích tình huống cho môn học này luôn khác biệt qua các năm.
“Thông thường tôi đặt tỉ lệ bài giảng môn học này 50% là lý thuyết, 50% là phân tích tình huống thực tiễn. Nhưng ở khóa học năm nay, trong 18 bài giảng, tôi chỉ dạy 6 bài lý thuyết, còn lại toàn bộ là học từ tình huống. Tức tỉ lệ tình huống thực tiễn trong môn học chiếm đến 70%”,Tiến sĩ Tự Anh cho biết.
Từ “nhập khẩu” nghiên cứu tình huống để giảng dạy, cho đến sáng tạo bằng việc tự biên soạn các bộ tình huống của Việt Nam, các giảng viên Fulbright còn tiến thêm một bước xa hơn đó là đem học viên của mình nhúng mình vào thực địa để trải nghiệm bài giảng đúng tinh thần “học thật, làm thật”. Sau khi được trang bị khung lý thuyết, trải nghiệm thực tế qua các bài giảng phân tích tình huống có thật, các học viên sẽ tham gia thực hành ở một địa phương. Đây là điều độc đáo nhất của phương pháp giảng dạy tình huống ở trường Fulbright.
Cuối tháng 6 vừa qua, Tiến sĩ Tự Anh dẫn cả lớp đến Bình Thuận để thực hành môn học “Phát triển Vùng và Địa phương”. 53 học viên của lớp chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý và Phân tích Chính sách của khóa học 2022 được chia thành 11 nhóm. Các học viên được tiếp cận các tài liệu, thông tin mà trường đề nghị trước với UBND, các sở, ngành của tỉnh cung cấp, giúp học viên nắm bắt bức tranh toàn cảnh kinh tế xã hội của Bình Thuận. Dựa trên cơ sở này, mỗi nhóm được giao tìm hiểu sâu và phân tích một nội dung trọng điểm trong khung phân tích. Từ kiến thức, lý thuyết được trang bị cũng như vỡ vạc thực tế nhờ các bài giảng phân tích tình huống, các nhóm chuẩn bị nội dung làm việc với địa phương.
Các bản báo cáo chính thức sẽ được nhóm giảng viên hiệu chỉnh, biên tập trở thành một nghiên cứu tổng thể về các vấn đề chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nghiên cứu tổng thể này sẽ được trường gửi ngược lại cho tỉnh như một lời cảm ơn về sự hỗ trợ và hợp tác. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là một sản phẩm đầu ra của môn học đúng tinh thần “học thật, làm thật”, mỗi học viên sẽ thấy những điều họ học ở trường Fulbright có thể ứng dụng cụ thể trong thực tế.
“Chúng tôi mong muốn học viên không chỉ dừng ở việc học lý thuyết trên lớp mà phải có khả năng áp dụng lý thuyết, không chỉ trong các tình huống trên lớp mà còn trong các vấn đề chính sách cụ thể và nóng hổi ở địa phương bằng cách cho học viên tiếp xúc trực tiếp với những con người thật, việc thật, bài toán thật. Điều này mang lại cảm hứng, tạo động cơ cho học viên để họ thấy mình có thể làm một việc có ý nghĩa, biết được sản phẩm môn học của mình có thể đóng góp cho địa phương ít nhất về ý kiến chính sách, giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển. Từ những báo cáo cuối cùng của môn học, tôi tin các nghiên cứu, phân tích chính sách của các học viên đủ tầm chất lượng để địa phương tham khảo, vận dụng trong chiến lược phát triển của mình”, Tiến sĩ Tự Anh cho biết.
Nhưng đó không phải là điểm cuối cùng của một môn học. Với giảng viên, việc đưa học viên về địa phương giúp họ tiếp cận những bài toán mới của thực tiễn. Những bài toán này tạo cảm hứng cho các giảng viên năm sau tiếp tục điều chỉnh chương trình giảng dạy hoặc thực hiện những nghiên cứu mới về những vấn đề của địa phương. Những mảnh ghép nghiên cứu địa phương được kết nối lại, tạo thành tổng thể những nghiên cứu chiến lược về chính sách của Việt Nam.
Xuân Linh
--- Bài cũ hơn ---
Seminar: “Vận Dụng Các Phương Pháp Dạy Học Tích Cực Trong Giáo Dục Mầm Non”
Tổng Hợp Các Giải Pháp, Phương Pháp Học Trực Tuyến Hiệu Quả
Dạy Học Theo Định Hướng Nghiên Cứu Bài Học Và Đổi Mới Sinh Hoạt Chuyên Môn Theo Hướng Nghiên Cứu Bài Học : Trường Thcs Quảng Hợp
Lịch Sử Phương Pháp Giảng Dạy Ngoại Ngữ
Giải Pháp “Phương Pháp Dạy Và Học Ngoại Ngữ Hiệu Quả”