Khi mẹ mang thai 8 tuần, có nghĩa mẹ đã mang thai được 2 tháng.
Đây chính là giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của mẹ (tương đương với 3 tháng đầu hành trình mang thai, tính đến hết tuần thứ 13). Ở giai đoạn tuần thai thứ 8, bé đang trong quá trình phát triển khuôn mặt, hình thành môi trên, mũi và mí mắt.
Cũng trong tuần thai này, cơ thể thai nhi cũng đang dần duỗi thẳng và đuôi đã dần biết mất. Các ngón chân và ngón tay, đã bắt đầu chia ra dù vẫn còn màng dính. Bé cũng đã hình thành các cơ quan như tay, chân, mắt, mũi, miệng, tim thai,… Tuy nhiên, vì kích thước của bé còn quá nhỏ nên mẹ bầu chưa thể nhìn thấy rõ bé khi thực hiện siêu âm thai 8 tuần.
Đến cuối tuần thứ 8, chiều dài thai nhi khoảng từ 11 – 14 mm. Bé cũng đã bắt đầu chuyển động người và chân tay, tuy nhiên mẹ vẫn chưa cảm thấy. Cũng tại tuần thai này, mẹ có thể nghe nhịp tim thai của bé vào khoảng 150 – 170 nhịp/phút, gấp đôi nhịp tim của mẹ.
Nhiều mẹ mang thai 8 tuần đã bắt đầu tăng cân nhẹ.
Những thay đổi của mẹ khi mang thai 8 tuần
Tử cung của mẹ đang bắt đầu to lên, và lúc này nó có kích thước tương đương một quả chanh. Tử cung dần được giãn rộng hơn để phù hợp với sự phát triển liên tục của thai nhi. Bên cạnh đó, ngực mẹ bầu cũng có sự thay đổi rõ rệt, đầy đặn hơn, 1 số người cảm giác căng tức, hơi khó chịu.
Ốm nghén: Có thể nói giai đoạn này, mẹ bầu đang chịu đựng cơn ốm nghén nhiều nhất của thai kỳ. Khoảng 75% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này nên mẹ đừng quá lo lắng. So với tuần 7, bà bầu sẽ dễ cảm thấy mệt và mất sức hơn. Đôi khi còn bị hụt hơi, choáng váng. Nhiều chị em cảm thấy sợ mùi thức ăn, không muốn ăn, buồn nôn, mệt mỏi… Đó là do các thay đổi về nội tiết tố và sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Chị em nên nghỉ ngơi nhiều hơn và ăn uống hợp lý để bé phát triển khỏe mạnh. Cảm giác khó chịu này sẽ nhanh chóng biến mất khi thai nhi 12 – 14 tuần.
Tiết dịch âm đạo nhiều hơn: Lượng estrogen tăng lên trong thai kỳ đồng nghĩa với việc dịch âm đạo được tiết ra nhiều hơn bình thường. Mặc dù vậy, mẹ bầu không cần lo lắng nhiều bởi dịch âm đạo còn có vai trò giúp cho đường sinh không bị nhiễm khuẩn.
Thường xuyên đầy hơi và táo bón: Khi mang thai, hệ tiêu hóa của chúng ta sẽ hoạt động chậm lại, đó chính là nguyên nhân khiến bà bầu hay bị táo bón. Để cải thiện, chị em nên ăn nhiều đồ giàu chất xơ như rau củ, ngũ cốc… để dễ tiêu hóa.
Tiểu nhiều: Tử cung to dần chèn ép vào bàng quang sẽ làm cho các mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn, thường có cảm giác mắc tiểu.
Chảy máu âm đạo: Một vài trường hợp, tử cung sẽ bị chảy máu với lượng rất nhỏ. Nếu bạn bị chảy máu nhiều và đau bụng, hãy đến bác sĩ chuyên khoa để khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu không tốt cho thai nhi.
Các triệu chứng khác của mẹ bầu mang thai tuần 8 như: khó ngủ, tăng cân, ợ nóng…
Mẹ nên làm gì khi mang thai tuần 8?
Thai 8 tuần có thể đo được tim thai của bé.
Nếu mẹ bầu chưa khám thai lần nào thì tuần này cũng chưa phải quá muộn. Chị em cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa Sản để khám thai tổng quát, siêu âm theo dõi sự phát triển của bé yêu trong bụng. Ở tuần thai này, mẹ có thể nắm được chỉ số về chiều dài đầu mông bé, đường kính túi thai, nghe nhịp tim thai, đo tần số tim.
Nếu mẹ không nghe được tim thai ở tuần thai này có thể đến từ nhiều nguyên nhân như thai chậm phát triển, thai ngừng phát triển, thai lưu… Do đó việc thăm khám định kỳ là rất quan trọng đối với việc theo dõi sức khỏe của thai nhi.
Bên cạnh đó, siêu âm sẽ giúp mẹ bầu xác định được tuổi thai chính xác và dự kiến ngày sinh nở cho mẹ bầu. Theo các bác sĩ, siêu âm 3 tháng đầu giúp xác định tuổi thai khá chính xác.
2 hình thức siêu âm cho mẹ bầu thai 8 tuần:
Siêu âm thành bụng: là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng khi siêu âm thai 8 tuần. Với phương pháp này, các mẹ cần nhịn căng tiểu, giúp bác sĩ quan sát thai nhi dễ dàng hơn.
Siêu âm đầu dò: Tuy không phải là phương pháp phổ biến được chỉ định với mẹ bầu mang thai vào tuần thứ 8, tuy nhiên nó giúp quan sát chính xác hơn siêu âm thành bụng. Phương pháp siêu âm này thường được chỉ định khi nghi ngờ không có tim thai hoặc có dấu hiệu bất thường về nhau thai.
Những lưu ý cho mẹ bầu khi mang thai 8 tuần
Mẹ cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tạo điều kiện cho sự phát triển của bé.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Giai đoạn này, thai nhi đang phát triển mạnh mẽ, với sự hình thành các cơ quan quan trọng, do vậy mẹ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như sắt, canxi, kẽm, magie,… để cả bé và mẹ có thể phát triển khỏe mạnh nhất. Tốt nhất, chị em nên bổ sung qua thực phẩm ăn uống hàng ngày hoặc có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin. Bên cạnh đó, bà bầu nên tăng cường bổ sung trái cây, rau củ quả đa dạng như đu đủ, kiwi, chuối, nho, lựu…
Tâm lý thoải mái: Sự thay đổi thất thường trong cơ thể hay các triệu chứng ốm nghén có thể khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi, từ đó, có thể gây ra các tác động tiêu cực đến cả mẹ và sự phát triển của bé. Chính vì vậy, mẹ nên giữ cho mình một tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái nhất trong suốt thai kỳ.
Không vận động mạnh và lao động quá sức: mẹ bầu nên hoạt động nhẹ nhàng, không bê vác vật nặng bởi điều này có thể ảnh hưởng tới hệ thống xương khớp của mẹ, đồng thời dễ gây nguy hiểm. Chị em nên đi bộ nhẹ nhàng để thư giãn, tránh va chạm,…
Hạn chế quan hệ tình dục: Trong những tuần đầu thai kỳ mẹ nên hạn chế điều này bởi nếu quan hệ mạnh bạo và thường xuyên có thể gây động thai. Mẹ có thể tìm tư thế nhẹ nhàng và tần suất ít để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Mẹ bầu nên đi khám bác sĩ ngay khi:
Ốm nghén nặng, nôn ói quá nhiều, không ăn uống được
Đau bụng, xuất huyết âm đạo
Thường xuyên ngất xỉu
Thăm khám thai định kỳ: Ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, mẹ bầu nên thực hiện thăm khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của bé cũng như kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của thai kỳ, từ đó có phương án xử lý và điều trị kịp thời. Mẹ có thể tham khảo thai sản trọn gói của Bệnh viện Thu Cúc để được chăm sóc, theo dõi từ đầu thai kỳ, đảm bảo cho mẹ và bé có một hành trình thoải mái.
Để tìm hiểu thêm thông tin về thai sản trọn gói, vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 55 88 96.