Quá trình rụng trứng và thụ thai chỉ có thể xảy ra khi có đầy đủ hai yếu tố quan trọng là trứng và tinh trùng.
Trứng được sản xuất bởi buồng trứng của phụ nữ. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt, buồng trứng của phụ nữ sẽ rụng 1 – 3 quả trứng. Sau khi rụng, trứng phải đi qua ống dẫn trứng (dài khoảng 10cm) để đến tử ung.
Trứng chỉ có thể sống được 24 giờ sau khi rụng. Vì vậy, trứng được thụ tinh trong khoảng thời gian này thì bạn mới có thể mang thai. Nếu không gặp được tinh trùng, trứng sẽ chết và được đưa ra ngoài theo kinh nguyệt của kỳ kinh ngay sau đó.
Trái ngược với phụ nữ thường chỉ rụng từ 1 quả trứng mỗi chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể người đàn ông lại liên tục sản xuất tinh trùng. Phải mất 2 – 3 tháng để hình thành các tế bào tinh trùng mới. Sau đó, các tế bào tinh trùng này có thể sống vài tuần trong cơ thể nam giới. Khi xuất tinh, nam giới có thể giải phóng khoảng 40 – 300 triệu tinh trùng, song chỉ có một tinh trùng có thể thụ tinh cho trứng.
Quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi
Quá trình rụng trứng và thụ thai:
Việc quan hệ tình dục giúp nam giới đạt cực khoái và xuất tinh. Tình trạng cực khoái đẩy tinh trùng vào âm đạo và hướng về phía cổ tử cung với tốc độ hơn 16 km/giờ. Đây là khởi đầu tốt giúp tinh trùng bơi đi tìm trứng nhanh chóng. Cổ tử cung co thắt cũng giúp tinh trùng di chuyển dễ dàng hơn.
Trở ngại đầu tiên mà các tinh trùng gặp phải trên đường đua chính là chất nhầy ở cổ tử cung. Trước và sau thời điểm rụng trứng, chất nhầy ở cổ tử cung thường dẻo, đặc giống như một bức tường bất khả xâm phạm. Vào những ngày quanh thời điểm trứng rụng, chất nhầy cổ tử cung trở nên lỏng, trơn, mịn giúp tinh trùng có thể bơi qua dễ dàng.
Phần nhiều tinh trùng bị kẹt do không đi vào đúng ống dẫn trứng hoặc chết trên đường đi. Thực tế chỉ một số ít tinh trùng có thể tới được ống dẫn trứng và tiếp cận với trứng. Tại đây, các tinh trùng bước vào một cuộc tranh đua mới.
Mỗi tinh trùng phải tìm cách thâm nhập qua lớp vỏ bên ngoài của trứng để vào được bên trong trước những con tinh trùng khác. Khi có một tinh trùng vào được bên trong trứng, ngay lập tức trứng sẽ ngăn chặn bất kỳ sự xâm nhập nào khác. Nó giống như một lá chắn bảo vệ trứng tại thời điểm tinh trùng đầu tiên vào được trứng và bắt đầu quá trình thụ thai.
Ngày thụ thai chính là ngày mà tế bào tinh trùng duy nhất và cuối cùng xâm nhập được vào bên trong trứng để hình thành hợp tử và phát triển thành thai nhi sau này
Quá trình thụ thai diễn ra trong bao lâu?
Sau khi các tinh trùng được phóng thích vào âm đạo, rất nhiều điều xảy ra bên trong cơ thể bạn. Hàng triệu tinh trùng bắt đầu cuộc đua trên quãng đường dài khoảng 18cm từ cổ tử cung đến ống dẫn trứng để thụ tinh cho trứng. Tinh trùng chỉ có thể di chuyển với tốc độ 2.5 cm mỗi 15 phút nên đây thực sự là một chặng đường dài.
Những tinh trùng bơi nhanh nhất sẽ tiếp cận được trứng sau khoảng 45 phút kể từ khi người đàn ông xuất tinh. Những con chậm chạp có thể mất đến 12 giờ. Nghiên cứu cho thấy tinh trùng có thể tồn tại bên trong cơ thể phụ nữ khoảng 3 – 5 ngày. Trong thời gian này, nếu sự rụng trứng xảy ra, bạn hoàn toàn có thể thụ thai.
Quá trình rụng trứng và thụ thai được tính từ khi tinh trùng kết hợp với trứng tạo thành hợp tử cho tới lúc phôi thai làm tổ được trong tử cung. Sau khi thụ tinh khoảng 3 – 4 ngày, trứng đã thụ tinh, tức hợp tử bắt đầu di chuyển dần vào tử cung tìm chỗ làm tổ và phân bào 3 lần trên đường đi.
Trứng làm tổ bao lâu? Sau khi tìm được chỗ làm tổ thích hợp trong tử cung, phôi nang sẽ hình thành chân giả bám vào niêm mạc, hình thành nhau thai. Quá trình làm tổ mất từ 7 – 10 ngày.
Trứng thụ tinh bao lâu thì biết có thai? Nhìn chung, quá trình này sẽ mất từ 13 – 14 ngày. Tuy nhiên, không phải làm tổ xong nghĩa là bạn đã thụ thai thành công. Có 1/3 trường hợp trứng đã thụ tinh bám vào thành tử cung nhưng vấn không mang thai do hợp tử gặp đột biến nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào.
Trong quá trình thụ thai, các tế bào mang thông tin di truyền trong tinh trùng và trứng kết hợp để tạo ra tế bào mới và bắt đầu phân chia nhanh chóng. Các tế bào mới được gọi là phôi nang. Phôi nang đi xuống ống dẫn trứng về phía tử cung. Quá trình di chuyển này có thể mất đến 3 ngày. Khi bám vào thành tử cung, phôi nang sẽ phát triển thành phôi thai và nhau thai.
Sau khi trứng được thụ tinh, phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt vào kỳ kinh tiếp theo. Nhiều chị em thắc mắc rằng quá trình thụ thai có biểu hiện gì thì đây là một trong các dấu hiệu thụ thai thành công dễ nhận biết nhất. Nếu có các dấu hiệu của thai kỳ, bạn có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra xem có đang mang thai thực sự hay không.
Thực tế có những trường hợp phôi nang bám vào nơi khác ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng, gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung. Đây là một trong các biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm. Thai nhi sẽ không thể tồn tại, phát triển bên ngoài tử cung và cần loại bỏ hoàn toàn để tránh biến chứng nghiêm trọng cho ống dẫn trứng.
Giới tính của thai nhi phụ thuộc vào nhiễm sắc thể của tinh trùng vào bên trong trứng đầu tiên. Nếu trứng được thụ tinh với tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y, bạn sẽ mang thai bé trai.
Ngược lại, nếu trứng thụ tinh với tinh trùng mang nhiễm sắc thể X, bạn sẽ mang thai bé gái. Có một số bằng chứng khoa học về việc làm thế nào để sinh con theo ý muốn, nhưng về tổng thể, giới tính của thai nhi được quyết định một cách ngẫu nhiên.
Các dấu hiệu thụ thai thành công
Đau tức ngực: Nếu mẹ nhận thấy ngực có cảm giác ngứa ran, mềm và sưng lên thì có thể đó là dấu hiệu đã thụ thai. Nguyên nhân của triệu chứng này là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể, khi tinh trùng đã gặp gỡ trứng thành công, tạo thành phôi thai và cấy vào thành tử cung của mẹ.
Cơn nóng bất chợt: Nó khiến bạn đỏ mặt, nóng bừng và đổ mồ hôi. Cơn nóng này có thể kéo dài đến 50 phút và xuất hiện đồng thời với một trong những dấu hiệu điển hình như ngực căng hay chuột rút.
Máu báo thai: Quá trình rụng trứng và thụ thai thành công, trứng thụ tinh được cấy vào thành tử cung, lớp niêm mạc tử cung vốn rất giàu dưỡng chất và nhiều máu sẽ bị bong tróc một phần và gây ra hiện tượng chảy máu, hay còn gọi là máu báo thai. Thời gian xuất hiện máu báo thai thường gần với ngày hành kinh của chu kỳ kế tiếp nên khá nhiều phụ nữ lầm lẫn giữa máu kinh và máu báo thai.
Mệt mỏi: Quá trình tiết hormone progesterone trong thai kỳ có thể làm cho mẹ bị kiệt sức. Hầu hết tất cả phụ nữ mới mang thai đều trải qua cảm giác này sau đó mới xuất hiện các triệu chứng khác đi kèm.
Màu sắc “nhũ hoa” thay đổi: Ngực của mẹ rất nhạy cảm trong suốt thai kỳ và nếu quan sát ngực mẹ sẽ thấy có nhiều thay đổi khi mới mang thai. Ngoài cảm giác đau, sưng, và mềm hơn thì màu sắc nhũ hoa cũng báo cho mẹ biết mình đã có em bé.
Chuột rút: Đi đôi với máu báo, bạn cũng có thể bị chuột rút nhẹ. Lý do là vì tử cung lúc này đang điều chỉnh để có thể thích nghi với sự có mặt của một bào thai.
Buồn đi vệ sinh liên tục: Nếu gặp dấu hiệu này thì đừng vội đổ lỗi cho thận của mình bởi khi phôi thai đã cấy thành công vào thành tử cung, sẽ bắt đầu tiết ra lượng hormone HCG khiến mẹ thường xuyên có cảm giác buồn tiểu hơn.
Thay đổi thói quen ăn uống, ốm nghén và nhạy cảm với mùi: Sự thay đổi về hormone trong cơ thể có thể khiến bạn cảm thấy đói, thèm ăn ở những tuần thai đầu tiên. Ngay sau khi nhận thấy những thay đổi, bạn có thể kiểm chứng bằng cách dùng que thử hoặc đi khác bác sĩ để có kết quả chính xác nhất.
Có thể thấy, quá trình rụng trứng và thụ thai diễn ra trong cơ thể người phụ nữ là một cuộc “chạy đua khốc liệt”. Kết quả của quá trình này là một thiên thần nhỏ đáng yêu của các cặp vợ chồng sắp chào đời, mang lại hạnh phúc lớn lao cho cả gia đình.