Vàng da là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh gây ra vàng da và mắt. Gần 60% trẻ sơ sinh đủ tháng bị vàng da xảy ra khi có sự dư thừa của bilirubin. Bilirubin là một sản phẩm thải, được sản xuất khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Nó thường được phân hủy trong gan và loại bỏ khỏi cơ thể trong phân.
Vàng da sơ sinh thường gặp ở trẻ sinh thiếu tháng làm quá trình chuyển hóa bilirubin dư thừa không thể xảy ra dẫn đến tình trạng vàng da, càng nhiều bilirubin dư thừa thì quá trình vàng da ở trẻ càng kéo dài. Đây là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở trẻ sinh non.
Đối với trẻ mới sinh, các tế bào hồng cầu luôn được tạo mới và mất đi, sự mất đi diễn ra nhiều hơn hay là hiện tượng vỡ các hồng cầu sau sinh này, khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra hemoglobin, chất này sẽ được chuyển hóa tạo thành bilirubin. Từ đây bilirubin sẽ được chuyển hóa tại gan trẻ và đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu.
Tuy nhiên do gan của trẻ sơ sinh làm việc còn yếu nên việc thải bilirubin này không hiệu quả gây ra tình trạng tăng bilirubin trong máu, gây nên hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh. Theo y văn đây được gọi là vàng da sơ sinh sinh lý.
Các yếu tố nguy cơ phổ biến của vàng da trẻ sơ sinh là:
Sinh non: trẻ sinh non có gan kém phát triển và nhu động ruột ít hơn, điều này có nghĩa là quá trình lọc chậm hơn và bài tiết không thường xuyên của bilirubin.
Nuôi con bằng sữa mẹ: những em bé không nhận đủ chất dinh dưỡng hoặc calo từ sữa mẹ hoặc bị mất nước có nhiều khả năng bị vàng da.
Sự không tương thích của nhóm máu Rhesus hoặc ABO: khi mẹ và em bé có các nhóm máu khác nhau, các kháng thể của mẹ đi qua nhau thai và tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi, gây ra sự phá vỡ nhanh chóng.
Tổn thương trong khi sinh: điều này có thể làm cho các tế bào hồng cầu bị phá vỡ nhanh hơn, dẫn đến mức độ cao hơn của bilirubin.
2. Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh
Biểu hiện đầu tiên của bệnh vàng da là màu vàng ở da và mắt trẻ. Màu vàng có thể bắt đầu trong vòng 2 đến 4 ngày sau khi sinh và có thể bắt đầu ở mặt trước khi lan xuống khắp cơ thể. Mức độ bilirubin thường đạt đỉnh trong khoảng từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh. Khi dùng một ngón tay ấn nhẹ vào da trẻ, khiến vùng da đó có màu vàng, thì có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da.
Hầu hết các trường hợp vàng da là bình thường, nhưng đôi khi vàng da có thể chỉ ra những bệnh khác. Vàng da nặng cũng làm tăng nguy cơ bilirubin đi vào não, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.
3. Những biến chứng nguy hiểm từ vàng da kéo dài ở trẻ sơ sinh
Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh non tháng đặc biệt nguy hiểm, diễn tiến nhanh. Nếu không được phát hiện hay điều trị sớm sẽ khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh, gây tử vong hoặc các di chứng nặng nề.
Khi trẻ có dấu hiệu vàng da kéo dài không dứt hay cơ thể trẻ bị vàng da bất thường, có thể bị vàng da nhạt, vàng đậm, vàng nâu… thì tốt nhất nên đi thăm khám sức khỏe để có để đánh giá chính xác nguyên nhân gây vàng da. Vì sức đề kháng của trẻ sơ sinh rất kém nên cần được bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng hơn hết. Không nên để bệnh vàng da kéo dài hoặc dùng những cách chữa mẹo, chữa dân gian thiếu cơ sở không những không khỏi bệnh mà có thể gây cản trở quá trình điều trị về sau.
Trẻ sơ sinh khi bị vàng da kéo dài lâu ngày có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:
Bại não cấp tính
Nếu mẹ phát hiện trẻ bị vàng da có các dấu hiệu khác như ngủ li bì, không tập trung, khóc nhiều, bỏ bú và sốt cao cần nghĩ ngay tới tình trạng bại não cấp tính. Theo các bác sĩ, bilirubin rất độc hại đối với tế bào của bộ não. Vàng da nặng có khả năng bilirubin đi vào trong não và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Vàng da nhân
Khi chất bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, thì có nguy cơ thấm vào não tức là trẻ đã bị vàng da nhân. Điều này gây tổn thương não không hồi phục được. Vì thế, nếu xác định vàng da bệnh lý phải điều trị trước 7 ngày sau sinh để phòng nguy cơ tổn thương não.
4. Làm thế nào khi trẻ sơ sinh bị vàng da kéo dài?
4.1. Điều trị vàng da kéo dài
Vàng da nhẹ thường sẽ tự khỏi khi gan trẻ bắt đầu trưởng thành. Cho ăn thường xuyên (từ 8 đến 12 lần một ngày) sẽ giúp trẻ truyền bilirubin qua cơ thể.
Bác sĩ có thể cho trẻ làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ bilirubin. Vàng da nặng hơn có thể cần các phương pháp điều trị khác. Quang trị liệu là một phương pháp điều trị phổ biến và có hiệu quả cao, sử dụng ánh sáng để phá vỡ bilirubin trong cơ thể trẻ. Có hai loại điều trị chiếu đèn:
Chiếu sáng tia cực tím khi trẻ nằm trên giường. Ánh sáng giúp phá vỡ các bilirubin để không gây áp lực tổn thương cho gan. Đèn chiếu sẽ dừng lại sau mỗi 3-4 tiếng để mẹ cho trẻ bú.
Trẻ được bao bọc trong chăn có chứa sợi quang học đặc biệt, tỏa ánh sáng trực tiếp lên da của trẻ. Mẹ vẫn có thể bế và cho trẻ bú như bình thường.
Lưu ý:
Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, việc truyền máu trao đổi có thể là cần thiết. Trẻ sẽ nhận được một lượng máu nhỏ từ người hiến hoặc ngân hàng máu, giúp thay thế máu bị tổn thương bằng các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Điều này cũng làm tăng số lượng tế bào hồng cầu của trẻ và làm giảm nồng độ bilirubin.
4.2. Chăm sóc trẻ bị vàng da kéo dài
Đảm bảo trẻ có đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.
Nếu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, nên cho trẻ bú thường xuyên. Điều này giúp làm sáng làn da trẻ. Không cần dùng sữa công thức hoặc nước lọc thay thế. Mẹ nên đánh thức trẻ dậy để cho trẻ bú ngay cả khi trẻ đang ngủ.
Nếu mẹ không thể cho con bú sữa mẹ vì chưa có sữa kịp thời, có thể chọn sữa công thức cho trẻ bú. Nên tư vấn với bác sĩ, nếu mẹ quan tâm đến việc trẻ đang dùng quá ít hoặc quá nhiều sữa công thức.
Mẹ nên giữ ấm cho trẻ hàng ngày. Đồng thời, mẹ nên chú ý trong việc chăm sóc rốn, vệ sinh thân thể cho trẻ.
Mẹ nên lưu ý tắm nắng đúng cách, đủ giờ cho trẻ vào buổi sáng sớm và xế chiều, lúc ánh nắng dịu rất tốt cho bệnh lý vàng da. Tắm nắng không thể khỏi bệnh nhưng sẽ là tác nhân làm ngưng tình trạng vàng da kéo dài và diễn tiến xấu.
Để đảm bảo độ chính xác về tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh cũng như biết được trẻ có bị vàng da hay không mẹ nên đăng ký cho con khám sàng lọc đối với trẻ sinh non. Bởi nếu cứ để tình trạng vàng da kéo dài có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Hậu quả của việc không phát hiện và điều trị vàng da kịp thời sẽ dẫn đến vàng da nhân và di chứng để lại có thể là bại não suốt đời, thậm chí tử vong.
5. Trẻ sơ sinh bị vàng da mẹ nên ăn gì?
Trong quá trình điều trị vàng da cho trẻ, người mẹ cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ thông qua nguồn sữa mẹ.
Người mẹ cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất quan trọng như chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, đây là những thực phẩm chứa chất chống oxy hóa mạnh mẽ và chất xơ có thể giúp hạn chế tổn thương gan trong quá trình trao đổi chất và dễ tiêu hóa. Uống nhiều nước, nước không chỉ giúp dễ tiêu hóa mà còn giúp gan và thận đào thải độc tố.
Khi t rẻ sơ sinh bị vàng da, mẹ cũng nên lưu ý hạn chế những thực phẩm có thể gây mất sữa, ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ như: măng chua, lá lốt, bắp cải, các chất kích thích như rượu, bia, chất có nhiều caffein, thực phẩm đóng hộp,…